14:38 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Đăng nhập

Thống kê chung

Đang truy cậpĐang truy cập : 4


Hôm nayHôm nay : 313

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 41031

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5105595

Trang nhất » Tin tức » Tin tức

Đổi "chủ" quản lý, thị trường phân bón vẫn hỗn loạn, rối mù

Thứ tư - 04/04/2018 16:59
Nhờ hệ thống tưới thấm tự chế, ông Chiêu mới phát hiện kịp thời phân bón kém chất lượng.  Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhờ hệ thống tưới thấm tự chế, ông Chiêu mới phát hiện kịp thời phân bón kém chất lượng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nguyên Vỹ Thứ Hai, ngày 19/03/2018 06:45 AM (GMT+7) (Dân Việt) LTS: Mặc dù đã có nhiều nghị định, văn bản nhằm thắt chặt quản lý thị trường sản xuất và kinh doanh phân bón và việc quản lý cũng được chuyển từ Bộ Công thương về Bộ NNPTNT (cụ thể là Cục Bảo vệ thực vật) để quản lý, nhưng hiện nay lĩnh vực này vẫn hỗn loạn, được ví như “ma trận” bởi hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng xuất hiện tràn lan. Đáng nói là việc mua bán, sử dụng phân bón nói chung, vật tư nông nghiệp nói riêng rất khó phân biệt thật – giả cho tới khi gặp... hậu quả, mà nông dân luôn là người chịu thua thiệt nặng nề nhất.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Tây Ninh, năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra 77 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và  lấy 136 mẫu thuốc BVTV gửi đi phân tích, đã phát hiện 10 mẫu thuốc BVTV đang kinh doanh trên thị trường không đạt tiêu chuẩn.

Nông dân vẫn là người chịu thiệt

Nhớ lại vụ kiện tụng do mua nhầm phân bón kém chất lượng 1 năm trước, ông Lê Tấn Đông (huyện Tân Biên, Tây Ninh) lắc đầu ngán ngẩm vì “được vạ thì má đã sưng”.

Khoảng tháng 4.2017, ông Đông mua 7 bao phân bón nhãn hiệu Siêu Lúa TE 02 bằng tiền mặt nên không lưu sổ ở đại lý. Trên bao bì có in rõ sản phẩm do một công ty ở TP.HCM sản xuất kèm theo những dòng chữ quảng cáo phân chuyên dùng bón cho lúa rước đòng, giúp lúa cứng cây, bông lớn, trổ đều, chắc hạt, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.

Sau khi bón cho lúa, ông Đông phát hiện loại phân này rất khó tan dù đã được bón xuống ruộng khá lâu. Phân càng lâu tan hơn khi đem bón trên đất gò đồng hay trong các chậu kiểng, khoảng 3 đến 4 tháng vẫn không tan.

Ông tự lấy mẫu gửi đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM) để thử nghiệm. Kết quả cho thấy các chất N, P2O5, K2O đều không đủ so với chỉ số được in trên bao bì. Riêng chất SiO2 (thường gọi là thạch anh, cao lanh hay đất sét) vượt gấp 3 lần so với chỉ số trên bao bì.

Sau đó, dù doanh nghiệp đã nhận sai nhưng ông Đông vẫn ngán ngẩm vì nông dân luôn thua thiệt khi gặp phải phân bón kém chất lượng. Dù có kinh nghiệm dày dặn trong nghề trồng lúa, nông dân vẫn phải “bó tay” với phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. 

“Nông dân cũng chỉ biết tránh các sản phẩm giả, kém chất lượng bằng phương pháp... đơn giản là mua hàng ở đại lý quen, do công ty có uy tín trên thị trường sản xuất. Nếu mua nhầm thì... xài xong mới biết” - ông Đông than.

Nhưng ngay cả mua tại đại lý quen cũng chưa “chắc ăn” khi chính chủ kinh doanh cũng không phân biệt được. Trường hợp này cũng mới vừa xảy ra với ông Huỳnh Biển Chiêu - nông dân trồng mãng cầu VietGAP có tiếng trên đất Tây Ninh.

Để tiết kiệm chi phí, ông Chiêu tự mày mò lắp dàn ống tưới thấm tự chế vì nếu sử dụng công nghệ của Israel sẽ tốn kém và phải dùng đúng phân chất lượng của họ. Phân bón của Việt Nam thường khó tan hơn nên dễ mắc kẹt, gây nghẹt ống tưới. Để khắc phục, ông lắp thêm một màng lọc ngay trên bể hòa tan phân trước khi tưới.

Cuối năm 2017, ông Chiêu mua phân bón tại cửa hàng quen ở gần nhà. Bón xong khoảng 1 tuần vẫn không thấy cây phát triển như thường lệ. Kiểm tra lại màng lọc, ông mới phát hiện ra phân vẫn không tan hết.

“Tôi đoán là chủ cửa hàng cũng không phân biệt được thật giả vì họ vừa là chỗ thân quen lại biết rõ hệ thống tưới của tôi có dùng màng lọc. Tôi đã đem trả lại toàn bộ lô hàng còn thừa và bảo họ tiêu hủy chứ đừng bán lại cho nông dân khác, làm khổ người ta” - ông Chiêu kể.

Khó quản lý và xử phạt

Nhắc lại trường hợp của ông Chiêu, ông Nguyễn Trung Sâm - Trưởng ban Tuyên giáo Hội Nông dân Tây Ninh cho rằng, đó là nông dân làm VietGAP, tự chịu trách nhiệm với cộng đồng chứ mãng cầu trồng bình thường còn khó quản lý việc sử dụng phân, thuốc hơn nhiều.

Có một thực tế ở Tây Ninh, nông dân vẫn thường “bán mão” cả vườn cho thương lái từ khi cây mới đậu trái bằng đầu ngón tay. Do giá cả thị trường không ổn định, nhiều người không nuôi tới thu hoạch mà bán luôn cả vườn trái non như thế để tránh rủi ro.

Thương lái vào xem vườn xong, đánh giá năng suất khoảng bao nhiêu tấn rồi phát giá, trả tiền. Lái sẽ tự bỏ kinh phí đầu tư, chăm sóc sao cho vườn đạt năng suất cao nhất, trái lớn nhất, bán được nhiều nhất mà không cần quan tâm đến chất lượng. Họ sử dụng phân gì, thuốc gì là tùy nhu cầu. Chất lượng trái từ lúc mới đơm  bông đến khi thu hoạch không đảm bảo được.

Ông Sâm kể, trong chương trình giám sát vật tư nông nghiệp mà Hội Nông dân tỉnh thực hiện, việc quản lý và xử phạt phạt phân, thuốc kém chất lượng cũng không đơn giản. Hội nhiều lần tiến hành kiểm tra lấy mẫu, tăng cường xử phạt nhưng cuối cùng chẳng phạt được ai. Khi lấy mẫu đem phân tích ở trung tâm kiểm định thì thấy kém chất lượng, có thể xử phạt hơn cả trăm triệu. Nhưng luật cho phép thử mẫu lấy 3 lần, mình phải cho doanh nghiệp phân tích tiếp mẫu thứ 2, 3 theo yêu cầu. Doanh nghiệp và trung tâm kiểm định có thông đồng với nhau hay không thì không có bằng chứng cụ thể nhưng kiểm xong tới lần 2 là đảm bảo chất lượng.

 “Rất nhiều trường hợp như thế xảy ra trong 3 năm nay. Chương trình của Hội Nông dân dù tốn nhiều công, của nhưng hiệu quả vẫn chưa cao” - ông Sâm nói.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video media