21:04 EDT Thứ năm, 12/09/2024

Đăng nhập

Thống kê chung

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 2779

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 31375

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5499416

Trang nhất » Tin tức » Tin tức

Hồ tiêu đối diện với nguy cơ mất thị trường

Chủ nhật - 30/11/2014 22:15
“Nếu không chấm dứt tình trạng trồng tiêu ồ ạt, cường canh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì Việt Nam không chỉ mất thương hiệu hồ tiêu với khoản thu 1 tỷ USD mỗi năm mà hàng nghìn nông dân sẽ rơi vào cảnh trắng tay, điêu đứng”, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 ở Đăk Lăk cho biết.
Hồ tiêu đối diện với nguy cơ mất thị trường
 
“Nếu không chấm dứt tình trạng trồng tiêu ồ ạt, cường canh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì Việt Nam không chỉ mất thương hiệu hồ tiêu với khoản thu 1 tỷ USD mỗi năm mà hàng nghìn nông dân sẽ rơi vào cảnh trắng tay, điêu đứng”, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 ở Đăk Lăk cho biết.
Nhiều thị trường từ chối nhập khẩu
Tháng 5 – 2014, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiêu Việt Nam đã bị một số nước châu Âu (Đức, Hà Lan) trả lại hàng và chịu mọi phí tổn vận chuyển, hợp đồng… do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể là hoạt chất Carbendazim, một chuyển hóa của Benomyl, được sử dụng rộng rãi ở nước ta như một loại thuốc diệt nấm, rỉ sắt… trong hồ tiêu cao hơn mức cho phép là 0,1 mg/kg.
 Mới đây, tại Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế IPC lần thứ 42 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Michio Nozaki, Chủ tịch Hiệp hội Gia vị Nhật Bản đã gửi văn bản cảnh báo tới các DN xuất khẩu, nếu không cam kết chất Carbendazim gần bằng 0 thì Nhật Bản sẽ không nhập khẩu tiêu Việt Nam. Còn tại Mỹ, nước tiêu thụ hơn 24.500 tấn tiêu Việt Nam thì hoạt chất Carbendazim lại là chất cấm trong thực phẩm. Như vậy, từ năm 2015 nếu Việt Nam không cam kết bảo đảm được tiêu chí này thì ngành hồ tiêu sẽ mất  30% thị trường cao cấp, khó tính nhưng sẵn sàng trả giá cao nếu bảo đảm các rào cản kỹ thuật, xuất xứ, thương mại bền vững cho xã hội và môi trường… Các DN thay vì xuất khẩu ra tất cả các nước tiêu thụ trên thế giới thì hồ tiêu chỉ còn con đường xuất thô dạng nguyên liệu cho các nhà rang xay, tinh chế dầu… không yêu cầu khắt khe về chất lượng như Ấn Độ, Indonexia… Trong khi đó, người dân lại ồ ạt trồng tiêu ngoài quy hoạch, trồng trên đất không phù hợp, cường canh, chạy đua với năng suất bằng cách lạm dụng các loại thuốc BVTV, chất kích thích… đẩy nguồn cung tăng lên mặc cho các DN cảnh báo giá tiêu sẽ giảm sút trong tương lai.
 Cũng theo các DN xuất khẩu, để xuất khẩu hồ tiêu ra thị trường thế giới, khâu kiểm định chất lượng rất chặt chẽ, với khoảng 600 hoạt chất cấm, hạn chế trong hồ tiêu được các đơn vị thu mua nước ngoài đưa ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có phòng thí nghiệm nào đáp ứng được các yêu cầu này, việc siết chặt chất lượng hồ tiêu từ khâu sản xuất đang được các DN xuất khẩu chú trọng.
Siết chặt chất lượng hồ tiêu xuất khẩu
Theo đánh giá của các DN và nhà khoa học thì dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu là thực trạng chung do tình trạng cường canh, lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng… trong các loại nông sản tại Việt Nam. Ông P.V.T, một nông dân trồng tiêu tại thị xã Buôn Hồ cho hay, hồ tiêu là cây trồng khó tính so với các loại cây khác, nên từ khi xuống giống bà con nông dân đã phải sử dụng chất kích thích rễ… đến giai đoạn kinh doanh thì thường xuyên phun chất kích thích để được trái to, đều, diệt nấm…
 
Theo thống kê của các DN xuất khẩu thì hồ tiêu đang đối mặt với hơn 600 hoạt chất bị cấm, giới hạn do các nhà nhập khẩu đưa ra, nhưng với hoạt chất Carbendazim rất khó thực hiện do việc lạm dụng thuốc quá nhiều nên cây tiêu không có đủ thời gian phân hủy. Do vậy, ngay từ khi nhận được cảnh báo của các nhà nhập khẩu, công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 đã tới tận các vùng nguyên liệu để mở các lớp tập huấn sản xuất hồ tiêu bền vững cho bà con nông dân ở các huyện thị Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’gar…; cam kết dành nhiều ưu đãi về giá cho người dân nếu bà con bảo đảm được việc quản lý dịch hại tổng hợp, không lạm dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất nhưng chưa có chuyển biến nhiều. Hiện tại, DN chỉ có khoảng 30 ha tiêu dạt chứng nhận Rainforest Alliance.
Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 cho biết, cây tiêu hiện đang mắc phải những dấu hiệu rủi ro tương tự như ngành trà những năm 2004 – 2006 là cầu giảm, cung tăng, có vấn đề về chất lượng sản phẩm, một số thị trường từ chối nhập khẩu… Vì vậy, ngay thời điểm này phải xây dựng, giữ vững thương hiệu hồ tiêu Việt Nam.
Ông Phạm Công Trí, cán bộ khoa học Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Carbendazim là hoạt chất rất hiệu quả trong việc diệt nấm, rỉ sắt…, nhưng thời gian phân hủy rất ngắn, khoảng 20 ngày. Thực trạng tồn dư nói trên có thể do bà con nông dân sử dụng thuốc không đúng bệnh, cũng có thể do các nhà thu mua đã sử dụng các loại thuốc diệt nấm này trong quá trình bảo quản nông sản. Thực tế, hoạt chất này phát hiện rất nhiều trong các loại nông sản khác, do vậy nếu không chặn đứng cách bảo quản phi khoa học này thì dù bà con nông dân sản xuất, quản lý dịch bệnh tốt thì tồn dư Carbendazim trong sản phẩm xuất khẩu vẫn vượt mức cho phép.
Theo Đăk Lăk Online

Nguồn tin: Theo Đăk Lăk Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video media