07:39 EST Thứ bảy, 21/12/2024

Đăng nhập

Thống kê chung

Đang truy cậpĐang truy cập : 8


Hôm nayHôm nay : 1854

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 48521

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5736227

Trang nhất » Tin tức » Tin tức

Lân nung chảy từ góc nhìn khoa học đến thực tiễn

Thứ tư - 04/09/2013 21:50
Lân nung chảy từ góc nhìn khoa học đến thực tiễn

Lân nung chảy từ góc nhìn khoa học đến thực tiễn

Trong nhiều số báo NNVN gần đây, một số tác giả đã bàn nhiều về ưu nhược điểm của các loại phân bón với đồng đất, cây trồng. Là người đã nhiều năm gắn bó với nông nghiệp nói chung với việc SX, chuyển giao và sử dụng phân bón, giống cây trồng nói riêng, tôi xin góp thêm một số ý kiến về mặt khoa học đối với sản phẩm phân lân.

Trong nhiều số báo NNVN gần đây, một số tác giả đã bàn nhiều về ưu nhược điểm của các loại phân bón với đồng đất, cây trồng. Là người đã nhiều năm gắn bó với nông nghiệp nói chung với việc SX, chuyển giao và sử dụng phân bón, giống cây trồng nói riêng, tôi xin góp thêm một số ý kiến về mặt khoa học đối với sản phẩm phân lân.

GÓC NHÌN TỪ NHẬT BẢN

Để công phá quặng phosphate (apatit) khó tiêu thành phân lân dễ tiêu cho cây thường có hai loại công nghệ: Một là phương pháp hoá học: dùng axit phân huỷ quặng apatit như phương pháp SX supe lân, MAP, DAP. Hai là phương pháp công phá bằng nhiệt: dùng nhiệt để phân giải quặng apatit tự nhiên, biến chất lân trong quặng từ dạng kết tinh không hoà tan mà cây cối không thể hấp thụ được thành dạng vô định hình dễ tan trong môi trường do rễ cây tiết ra mà thực vật có thể hấp thụ được dễ dàng.

Căn cứ vào nguyên lý trên, người ta đem trộn quặng apatit (Ca5F(PO4)3), quặng sà vân (3MgO.2SiO2.2H2O), quặng sa thạch (SiO2) theo một tỷ lệ nhất định, nạp vào lò cao rồi nung luyện ở nhiệt độ 1450 - 1500 oC. Phối liệu sẽ bị chảy lỏng hoàn toàn trở lên linh động. Khi đó, mạng tinh thể apatit bị phá huỷ hoàn toàn chuyển thành dạng thuỷ tinh vô định hình. Dùng nước làm lạnh đột ngột để liệu lỏng không trở về trạng thái tinh thể bền vững, ta sẽ được bán thành phẩm phân lân nung chảy ở dạng thuỷ tinh vô định hình bao gồm một tập hợp các phân tử sắp xếp hỗn độn không theo một trật tự nhất định, dễ bị hoà tan trong môi trường do dịch rễ cây tiết ra. Mang sấy khô, sàng/nghiền, đóng gói ta được sản phẩm phân lân nung chảy.

Công thức lý thuyết của lân nung chảy là: 4(Ca,Mg)O.P­2O5 + 5(Ca,Mg)O. P2O5.SiO2. Nhìn vào công thức và phương pháp SX ta thấy phân lân nung chảy có chứa các chất P­2O5, MgO, CaO và SiO2 dưới dạng CaSiO3. Ngoài ra, còn một số chất vi lượng có trong quặng apatit, sà vân, sa thạch, khi nung luyện trong lò được hoạt hoá thành dạng dễ tan trong môi trường do dịch rễ cây tiết ra như Fe, Mn, Cu, Zn, B, Mo, Co…


SX phân lân nung chảy tại Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhật Bản đã nghiên cứu về lân nung chảy từ rất sớm ở các viện nghiên cứu, trong các trường đại học và cả trong các phong trào nông dân thi đua SX. Theo tài liệu mà chúng tôi có được “Liên hiệp SX phân lân magie nung chảy” có trụ sở tại cao ốc Shinkyobashi Kyobashi 3-6 Chucko, Tokio, Nhật Bản. Từ năm 1961 đến năm 1971 đã có sự chuyển đổi căn bản trong việc sử dụng phân lân, tỷ lệ sử dụng phân lân nung chảy có xu hướng ngày càng tăng thêm. Nếu như năm 1961 Nhật Bản chỉ sử dụng 239.000 tấn sang năm 1967 tăng lên 414.000 tấn và năm 1971 là 487.000 tấn. Trong khi đó, sản phẩm phân lân hóa học khác lại giảm sản lượng lớn từ 712.000 tấn năm 1961 xuống còn 299.000 tấn năm 1967 và chỉ còn 135.000 tấn năm 1971.

10 ƯU ĐIỂM TỪ THỰC TIỄN

Cố GS.TS Võ Minh Kha, nguyên Trưởng Khoa Quản lý ruộng đất và Nông hoá thổ nhưỡng, (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) khi còn công tác đã cùng cộng sự giành nhiều năm nghiên cứu lân nung chảy Văn Điển và rút ra 10 ưu điểm sau:

1.Chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây

Khi sử dụng phân hoá học có 2 vấn đề nảy sinh:

Một là: Nếu phân được chế biến quá đậm đặc một, hai loại chất dinh dưỡng chính (ure, MAP…) các chất khác bị loại trừ hết, sau nhiều năm sử dụng sẽ nảy sinh hiện tượng mất cân đối, thiếu hụt một số yếu tố trung, vi lượng trong đất.

Hai là: Nếu phân có chứa nhiều thành phần phụ độc hại, sau nhiều năm bón, thành phần phụ sẽ tích luỹ nhiều trong đất, trong một số trường hợp có thể gây ngộ độc cho cây.

Tuỳ theo mức chất lượng cần SX, lân Văn Điển cung cấp các chất dinh dưỡng cơ bản như: P2O5 = 15-20%; MgO = 15-18%, CaO = 24-30%, SiO2 = 24-32%, ngoài ra còn có các chất vi lượng như: Fe2O3 = 4%, Mn=0,06%, Cu=0,02%, Mo=0,001%, Co=0,002%, SO3=0,22%, B2O3=800ppm, ZnO=40-50 ppm… Tổng hàm lượng dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cây có thể hấp thụ được lên đến 95 - 98%. Đây là loại phân bón giầu chất dinh dưỡng nhất, tính theo đầu loại cũng như hàm lượng.

2. Vận chuyển và bảo quản dễ dàng

- Lân Văn điển không tan trong nước, không chứa axit nên không làm hỏng bao bì, phương tiện vận chuyển, kho chứa phân. Không mất chất khi gặp mưa, không hút ẩm, không vón cục, không chứa các chất độc cho người và động vật.

- Trộn và dự trữ chung với các loại phân khác như phân Kaly, Ure, DAP, MAP… không gây ảnh hưởng xấu.

- Các loại phân đạm dạng amôn Sulphate (SA), amôn nitrat (NA) không nên để lâu với phân lân Văn Điển vì sẽ bị bốc mùi khai amôniắc khó chịu gây mất đạm. Khi cần bón chung có thể trộn tại ruộng, bón ngay. 

3. Hiệu quả ngay và lâu dài

- Do chất lân, magiê, silic, canxi và các chất vi lượng đều ở dạng dễ tiêu, cây cối hút được dễ dàng nên phân lân Văn Điển có hiệu quả ngay trong vụ đầu cho tất cả các loại cây trồng và các loại đất; có thể dùng bón lót, bón thúc, chữa bệnh nghẹt rễ.

- Lân và các chất dinh dưỡng trung, vi lượng trong lân Văn Điển không hoà tan trong nước, chỉ hoà tan trong dịch axit do rễ cây tiết ra nên bón vào đất không bị rửa trôi, không bị sắt và nhôm tan trong dung dịch đất (thường có nhiều ở đất chua) chuyển thành dạng khó tiêu. Cũng vì vậy, bón lân Văn Điển hiệu quả ngay trong vụ đầu, hiệu quả tồn dư trong các vụ sau cao hơn các loại phân khác.

4. Cải tạo đất chua

- Lân Văn Điển có tính kiềm pH = 8-8,5 có chứa một lượng lớn CaO và MgO (trên 50%); như vậy bón 2 - 2,25 kg phân lân Văn Điển có tác dụng khử chua ngang bằng bón 1 kg vôi hoặc 2 kg bột đá vôi nghiền mịn. Tác dụng khử chua cũng nhanh như bón vôi.

5. Bón vào ruộng lúa ít rong rêu

- Khi trong nước có tan nhiều lân, rong rêu phát triển mạnh lấn át cả lúa. Phân Lân Văn Điển không tan trong nước nên ruộng ít rong rêu hơn.

6. Phân lân Văn Điển chứa một số chất dinh dưỡng đặc biệt

Lân Văn Điển chứa Magie (MgO) và silic (SiO2) là 2 chất trung lượng tiêu biểu mà các loại lân khác không có.

Bón đủ magie có lợi cho cây họ đậu, cây lấy dầu (bạc hà, hương nhu, sả, bạch đàn nhiều dầu hơn; cà phê, chè, thuốc lá hương vị thơm hơn). Magie cũng rất cần cho cây có nhựa mủ như cây cao su, thông nhựa… Magie là thành phần phi tồn dư trong hạt, củ, quả; làm cho chất lượng nông sản tăng lên. Đất nhiệt đới chua, nghèo magie, đặc biệt các loại đất xám, đất bạc màu, đất cát biển, đất nhẹ phù sa, đất đồi núi thoá hoá, đất trồng các loại cây đã bón nhiều kaly: Dứa, đồng cỏ, mía… rất cần được bổ sung magie. Dâu tằm khi bón magie lá dày hơn, tằm ăn ít bệnh, dày kén, tơ dài và bền hơn. Dứa được bổ sung đủ magie sẽ chống được bệnh héo lá dứa phổ biến ở những vùng trồng dứa.

Trong đất có rất nhiều silic nhưng đều nằm ở dạng khó tan, cây cối không hấp thụ được. Theo tài liệu nghiên cứu về đất: Klotzbücher et al, Nghiên cứu địa lý, Quyển số 15, EGU2013-9821, 2013 và tài liệu Fujii, silicate và trồng trọt (tiếng Nhật). Điều chỉnh bởi Cục Khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng Nhật Bản thấy rằng: đất nông nghiệp Nhật Bản có hàm lượng SiO2 hoà tan trong đất thấp hơn của Philippine, còn đất nông nghiệp của Việt Nam lại có hàm lượng SiO2 hoà tan Nhật Bản tới 14 mg/100gam đất. Như vậy, đất nông nghiệp Việt Nam rất cần được bổ sung silic. Tập đoàn Sumimoto Nhật Bản đã có các thí nghiệm chứng minh silic có vai trò trong việc chống lại bệnh thối rễ chùm, đốm nâu, đạo ôn, khô vằn, hạn hánnvà chống lại các bất lợi khi sử dụng phân hoá học không hợp lý như thừa đạm, thiếu lân.


Lãnh đạo Cty Phân lân nung chảy Văn Điển nhận danh hiệu TOPTEN Sản phẩm Dịch vụ hoàn hảo 2013

7. Hạn chê tác hại của sâu bệnh

- Lân Văn Điển làm cho đất bớt chua, mà môi trường đất chua rất thích hợp cho các loại nấm bệnh phát triển.

- Làm cho lá cây đứng, tạo độ thông thoáng trong đồng ruộng, hạn chế bệnh phát triển do độ ẩm trong ruộng quá cao.

- Bón lân Văn Điển lá cây màu xanh vàng lá gừng (không phải màu xanh đen) không hấp dẫn bướm, sâu đến đẻ trứng.

- Tạo lớp vỏ silíc hữu cơ trên vỏ cây, thân cây (nhất là cây hoá thảo lúa ngô, mía, dứa, thanh long…) làm cho vi khuẩn, nấm bệnh, sâu bọ chích hút, sâu miệng nhai khó xâm nhập phá hoại.

Trong những năm gần đây, các vùng sử dụng lân Văn Điển có nhận xét giảm bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, bạc cổ bông; có nơi còn thấy giảm bớt sâu đục thân và sâu cuốn lá.

8. Chống đổ

Do chất lân (P­2O5) kích thích ra rễ, chất SiO2 tạo lên xương sống cho cây lúa, mía, đặc biệt tạo ra lớp gai lông trên thân, lá lúa, mía làm cho cây cứng, vách tế bào chắc chống lại sâu bệnh, chống đổ ngã.

Nhận xét rất rõ đối với cây lúa là: rễ lúa phát triển nhiều hơn, sâu hơn chống được đổ gốc; thân lúa cứng hơn, chống được đổ thân khi dùng phân lân Văn Điển.

9. Chống hạn

Bón phân lân Văn Điển cây hấp thụ được nhiều silic, vách tế bào có màng silic dày làm giảm sự phát tán hơi nước qua mặt lá. Rễ cây phát triển mạnh, ăn sâu giúp cây hút được nhiều nước, vì vậy có lợi cho cây trồng trên các vùng khô hạn.

10. Góp phần làm cho nông nghiệp ổn định

Phân lân Văn Điển ngoài các dinh dưỡng đa lượng còn chứa nhiều yếu tố thiết yếu trung, vi lượng với hàm lượng vừa phải. Nếu sử dụng phối hợp khéo léo với các loại phân khác sẽ giữ được và gia tăng sự cân đối của các yếu tố dinh dưỡng trong đất, làm cho đất ngày càng tốt lên, tạo cho SX nông nghiệp ổn định, khắc phục được nhược điểm “sử dụng phân hoá học làm kiệt đất” như lâu nay thường quan niệm.

Tác giả bài viết: Tác giả là Nguyên GĐ Trung tâm Tư vấn Chuyển giao TBKT (Viện Di Truyền NN - Viện KHNN Việt Nam)

Nguồn tin: Nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video media