•Giới thiệu•Thống kê chungĐang truy cập : 65 •Máy chủ tìm kiếm : 52 •Khách viếng thăm : 13 Hôm nay : 2779 Tháng hiện tại : 31731 Tổng lượt truy cập : 5499772 |
» Giới thiệuHiệp hội Hồ tiêu Chư Sê
Khẳng định thương hiệu hàng đầu của ngành hồ tiêu thế giới. Với diện tích trên 4.000 ha, cho sản lượng khoảng 20.000 tấn (chiếm 20% sản lượng hồ tiêu cả nước), Chư Sê và Chư Pưh đã trở thành vùng sản xuất hồ tiêu danh tiếng nhất với năng suất, chất lượng cao nhất trên thế giới, là bộ phận quan trọng của ngành hồ tiêu Việt Nam và cộng đồng hồ tiêu, gia vị quốc tế trong tiến trình hội nhập và phát triển. Chư Sê là huyện miền núi của tỉnh Gia Lai, có quỹ đất đỏ Bazan lớn phù hợp cho việc phát triển các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày như cây cà phê, hồ tiêu, cao su… Đặc biệt cây hồ tiêu đã được huyện xác định đây là cây trồng chủ lực tạo ra hàng hóa xuất khẩu. Đến nay toàn huyện đã có trên 4.000 ha hồ tiêu kinh doanh với năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất…chỉ chiếm 6% diện tích nhưng chiếm đến 20% về sản lượng hồ tiêu cả nước, hồ tiêu Chư Sê trở thành vùng nguyên liệu uy tín và quan trọng của ngành hồ tiêu Việt Nam và thế giới. Do hội tụ đủ các điều kiện về địa hình, đất đai, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất với các biện pháp canh tác nghiêm ngặt, khuyến khích đầu tư theo hướng sản xuất bền vững, tạo cho hồ tiêu Chư Sê có đặc tính riêng biệt, kích cỡ hạt lớn, dung trọng cao bình quân đạt 570gr/lít, có vị thơm và độ cay đặc trưng so với các vùng trồng tiêu khác, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có vi khuẩn Ecoli, vi khuẩn Samonella không có độc tố aflatoxin phù hợp với thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Mỹ… Với ưu thế đó, những năm qua cùng với ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sản phẩm hồ tiêu của Chư Sê đã có mặt ở 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vị trí đứng đầu thế giới và bỏ qua các đối thủ có nghề trồng tiêu lâu đời như ấn độ, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin, Ma-lai-xi-a. Và sau gần 4 năm triên khai đến ngày 28/12/2007 Hồ tiêu Chư Sê đã được công bố chính thức thương hiệu, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho hàng ngàn hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến kinh doanh hồ tiêu Chư Sê, điều này đã mở ra triển vọng mới cho người sản xuất. Năm 2009, Chư Sê được tách thành 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh. Theo đó, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc 2 huyện thống nhất sẽ cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau chăm lo, phát triển một cách bền vững để Hồ tiêu Chư Sê trở thành thương hiệu mạnh. Hồ tiêu Chư Sê đã góp phần không nhỏ đưa ViệtNamtrở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. Và cũng từ cây hồ tiêu, không chỉ người Kinh, mà cả người dân tộc Jrai và Bahnar ở Chư Sê và Chư Pưh đã thoát nghèo, nhiều hộ “đổi đời”, trở thành những tỉ phú… Bộ mặt làng bản của Chư Sê, Chư Pưh cũng từ đây mà khang trang, trù phú hơn. Thời gian qua các địa phương đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế đầu tư, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường, triển khai nhiều đượt thăm quan, khảo sát, giới thiệu và đánh giá vùng nguyên liệu đề xuất các chiến lược phát triển ổn định ngành hàng của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Hiệp Hội hồ tiêu Chư Sê, các ngành, các cấp có biện pháp tích cực hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, áp dụng KHKT, thực hiện tốt quy trình thâm canh hợp lý theo hướng bền vững đa dạng hóa các sản phẩm tiêu sạch, tiêu hữu cơ, sản xuất theo quy trình Việt GAP được quan tâm thực hiện nên chất lượng sản phẩm được nâng lên, sản phẩm có sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ được mở rộng, lợi ích của nông dân trồng tiêu được đảm bảo, giá trị thương mại của hồ tiêu Chư Sê đã được tăng cao hơn so với khi chưa có thương hiệu, vị thế và uy tín chất lượng hồ tiêu luôn được khẳng định trên thị trường quốc tế. Để duy trì phát huy giá trị của thuơng hiệu "Hồ tiêu Chư Sê", chính quyền địa phương của 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh đang tập trung thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Cụ thể, hai huyện trên đang tích cực triển khai có hiệu quả mô hình sản xuất IPM cho cây hồ tiêu; lựa chọn giống tiêu ưu việt, thực hiện nhân giống bằng nuôi cấy mô để có giống hồ tiêu sạch bệnh. Thực hiện chủ trương "trẻ hoá vườn tiêu" trên diện rộng. Đồng thời thực hiện tốt việc gắn kết liên minh trong sản xuất kinh doanh, chế biến và đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu. Tỉnh thành lập Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê nhằm tạo "thế mạnh" của sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền cho người trồng tiêu nâng cao ý thức và trách nhiệm, niềm tự hào về sản phẩm mà mình làm ra để phát huy tốt nhất thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê. Tuy nhiên những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với vùng nguyên liệu đầy tiềm năng, nổi tiếng với thương hiệu đã có, đó là hệ thống nhà máy chế biến, sân phơi kho chuẩn, công nghệ sau thu hoạch, hệ thống thu mua, chế biến bảo quản và kinh doanh tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Vì vậy việc xây dựng và giữ vững thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” nhằm ổn định năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng hồ tiêu, chủ động chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới hiện đang là mục tiêu chiến lược, có ý nghĩa kinh tế hết sức quan trọng đối với Chư Sê và Chư Pưh nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Với những gì đã được khẳng định, Hồ tiêu Chư Sê đang hội đủ các điều kiện để hướng tới tổ chức Pestival hồ tiêu quốc tế, sẽ là nơi các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu,... giao lưu, tìm kiếm những cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất. Đặc biêt, đây cũng là dịp để tiếp tục tôn vinh đưa thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” phát triển bền vững, mang hương vị và lợi ích đến người tiêu dùng, góp phần đưa Chư Sê và Chư Pưh trở thành vùng kinh tế động lực, năng động hiệu quả phía Nam của tỉnh Gia Lai. |