Nguồn cung hồ tiêu đã cạn: Cần thận trọng giao dịch
- Thứ ba - 27/08/2013 03:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2013, sản lượng tiêu của cả nước chỉ đạt khoảng 95.000 tấn, thế nhưng trong 7 tháng đầu năm đã xuất khẩu tới 94.000 tấn. Cân đối với lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang, thì từ nay đến khi thu hoạch vụ tiêu mới còn 5 tháng nữa, nhưng nguồn cung tiêu cho xuất khẩu chỉ còn chưa đầy 15.000 tấn.
Diện tích tăng, sản lượng giảm
Suốt nhiều năm qua, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu tiêu số 1 thế giới, nhưng ngành này lại đang bộc lộ 2 nghịch lý lớn. Thứ nhất là, diện tích tăng, sản lượng giảm. Năm 2011, cả nước có 53.000ha tiêu, sản lượng 125.000 tấn; năm 2012 là 57.500ha, sản lượng 115.000 tấn. Năm 2013, diện tích tiêu của cả nước tăng lên 60.000ha nhưng sản lượng chỉ còn 95.000 tấn. Hồ tiêu chỉ chiếm 2,5% diện tích trong tổng số gần 2 triệu hecta của 5 loại cây công nghiệp ở nước ta nhưng chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu. Giá trị kinh tế của tiêu hiện đạt khoảng 6.800 USD/ha/năm, cao gấp 4 lần cao su, 8 lần hạt điều, 2,6 lần cà phê và gấp 6 lần chè. Người trồng tiêu có thể thu lãi 200-250 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến quy hoạch trồng tiêu của nhiều địa phương bị phá vỡ. Những năm qua, vì trồng tiêu cho lợi nhuận cao nên nông dân ở Tây Nguyên đã ồ ạt chặt cà phê, điều… chuyển sang trồng tiêu, trong đó có nhiều vùng đất không phù hợp với giống cây này. Quan ngại hơn là giống tiêu không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến việc lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn.
Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, hiện, năng suất bình quân của hồ tiêu giảm xuống chỉ còn 2,4 tấn/ha (năm 2010 đạt 3-3,5 tấn/ha). Đồng Nai là tỉnh có diện tích tiêu trồng thêm nhiều nhất, tăng khoảng 1.000ha so với năm 2011 nhưng năng suất giảm từ 20,1 tạ/ha (năm 2011) xuống còn 14 tạ/ha (năm 2013). Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, năng suất tiêu trung bình cũng giảm 1,4 tạ/ha, chỉ còn 17,2 tạ/ha. Tình hình dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa được kiểm soát và có nguy cơ trầm trọng hơn. Theo quy hoạch, diện tích tiêu cả nước là 50.000ha, nhưng đến nay diện tích trồng thực tế đã vượt con số quy hoạch, đạt trên 60.000ha.
Với tình trạng người dân đầu tư theo phong trào sẽ dễ dẫn đến mất kiểm soát về nguồn cung, chất lượng sản phẩm, trong khi các thị trường nhập khẩu đòi hỏi tiêuchí chất lượng ngày một cao. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có kế hoạch phát triển sản xuất bền vững. Việc lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến VSATTP của sản phẩm và môi trường sống của cây tiêu. Để tránh giảm sản lượng, nguy cơ sâu bệnh bùng phát buộc lòng người trồng phải dùng nhiều phân hóa học, thuốc BVTV. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn là yếu tố tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu của ngành tiêu. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có biện pháp kiểm soát tình trạng trồng hồ tiêu ồ ạt như hiện nay.
Thận trọng trong giao dịch 5 tháng cuối năm
Nghịch lý thứ hai của ngành hồ tiêu là, trong khi sản lượng thu hoạch giảm thì các DN lại ồ ạt XK quá nhiều trong 7 tháng đầu năm, khiến giá XK giảm tới 4%. Các DN cho biết, giá tiêu niên vụ 2012-2013 trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng từ thông tin nguồn cung tăng do giới đầu cơ tung ra để ép giá. Thực tế, sản lượng hồ tiêu toàn cầu được ghi nhận chỉ ở mức 310.000 tấn, giảm so với niên vụ trước. Một số chuyên gia ngành hồ tiêu cho rằng, Việt Nam cần hết sức tỉnh táo trước “thông tin” của các nhà đầu cơ hồ tiêu quốc tế.
Ở Việt Nam, niên vụ thu hoạch tiêu bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, như vậy, còn 5 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch mới. Theo ghi nhận của VPA, giá tiêu tại các sàn giao dịch ở Ấn Độ và giá nhập khẩu của thị trường châu Âu, châu Mỹ đang tăng trở lại. Nguyên nhân là do nguồn cung tiêu của những nước sản xuất chính trên thế giới như Việt Nam, Ấn Độ không còn nhiều. Trong khi đó, sản lượng của những nước trồng tiêu khác như Malaysia, Indonesia không cao.
VPA cho rằng, giá tiêu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì trong nước chỉ còn khoảng 15.000 tấn tiêu tồn kho. Nhiều thông tin tồn kho giảm mạnh nên thương nhân nước ngoài đang đổ vào Việt Nam để thu mua. Trong khi nhu cầu thế giới vẫn tăng thì nguồn cung lại giảm sút ở nhiều nước sản xuất chính sẽ tạo nên những diễn biến khó lường. Điều này khẳng định, giá tiêu những tháng cuối năm sẽ còn bất ngờ.
VPA khuyến cáo: Các DN cần hết sức thận trọng trong giao dịch ký kết hợp đồng XK về số lượng, thời gian giao hàng, giá cả, phương thức thanh toán… nhằm tránh “xù” hợp đồng, “xù” thanh toán, dẫn đến khiếu kiện mà rủi ro, thua lỗ thường thuộc về DN Việt Nam. Hiện, thương nhân nước ngoài đang tăng cường mua tiêu tích trữ để đầu cơ, vì vậy các DN không nên vội ký kết hợp đồng XK khi chưa có chân hàng trong tay, vì nếu ký trước thu mua sau, nguy cơ giá tiêu sẽ tăng hơn mức giá mà doanh nghiệp đã ký XK, dễ dẫn đến thua lỗ.