Loạn thuốc bảo vệ thực vật tàn phá ngành tiêu ở thủ phủ hồ tiêu

Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững cần sớm khắc phục những lổ hổng từ giống, vật tư đến chế biến. ảnh: Nguyên Vỹ

Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững cần sớm khắc phục những lổ hổng từ giống, vật tư đến chế biến. ảnh: Nguyên Vỹ

Tình trạng trôi nổi cây giống, nhiễu loạn mua bán vật tư và những yếu kém trong khâu chế biến đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành hồ tiêu ở nhiều địa phương.
Hỗn loạn vật tư nông nghiệp
 
Ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông – cho biết, địa phương của ông chỉ là một tỉnh nhỏ nhưng mỗi năm, các doanh nghiệp tổ chức hàng trăm hội thảo về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, việc hạn chế hoặc kiểm soát cấp phép tổ chức là không thể, thậm chí là phạm luật vì các doanh nghiệp đã xin đầy đủ thủ tục.
 
“Doanh nghiệp cứ nói thao thao bất tuyệt, xong cho một ít quà cáp rồi khuyến dụ nông dân mua phân, thuốc. Người dân gần như lạc vào mê hồn trận, không thể nhớ nổi bao nhiêu danh hiệu phân bón. Đây là điều cực kỳ tai hại” - ông Tùng phân trần.
 
Nhiều nông dân ở Đăk Nông vẫn duy trì thói quen canh tác theo kinh nghiệm, áp dụng ít hoặc sai quy trình kỹ thuật trồng. Ai thích loại phân, loại thuốc nào là bón loại đó trong khi tiêu là cây mẫn cảm với dịch bệnh.
 
Cũng theo ông Tùng, chất lượng hạt tiêu xuất khẩu từng bị cảnh báo nhiều lần và lối canh tác tùy thích, vô tội vạ như hiện nay đang quá nguy hiểm. Người dân cứ nghe theo lời các cửa hàng vật tư nông nghiệp chỉ sao làm vậy, việc hướng dẫn bị tam sao thất bản dẫn đến sâu bệnh trị không hết mà còn tồn dư thuốc BVTV.
 
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) Hoàng Phước Bính cho rằng việc quản lý vật tư nông nghiệp của Nhà nước còn nhiều chuyện phải nói. Ngay tại địa phương mình, ông Bính tiết lộ rằng nhiều hộ kinh doanh cứ ghi chữ “đại lý vật tư nông nghiệp” rồi mua bán vô tội vạ, không cần kiểm kê sổ sách, giấy tờ, hóa đơn.
 
Do đó, ông Bính kiến nghị không thể duy trì cách đăng ký kinh doanh vật tư nông nghiệp theo hộ gia đình như hiện nay. Thay vào đó, việc mua bán thuốc, phân bón phải để doanh nghiệp thực hiện và hóa đơn đầu vào đầu ra, mua bán cho ai đều phải có chứng từ rõ ràng.
 
Hỗ trợ cả “dầu và túi”
 
Hiện tại Bình Phước đã có 60 câu lạc bộ tham gia phát triển tiêu bền vững và ở các CLB này cũng dần hình thành các THT, HTX. “Từ những mô hình này, chất lượng tiêu trên cả tỉnh Bình Phước đã nâng lên rõ rệt. Sở NNPTNT tỉnh sẽ lấy đó làm mẫu liên kết chuỗi để nhân rộng ra cây trồng khác”.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết
 
Dù là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhưng hiện nay, Bình Phước vẫn chưa có đơn vị nào có nguồn giống tiêu đầu dòng kháng khuẩn, sạch bệnh. Không chỉ có vậy, diện tích và sản lượng tiêu ở Bình Phước đều lớn nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh mà nguyên nhân lớn đến từ khâu giống.
 
Vì thế, Bộ NNPTNT cần sớm đầu tư đúng mức cho vấn đề này, chấm dứt tình trạng giống hồ tiêu trôi nổi, thiếu kiểm soát về chất lượng. “Khi đã có bộ giống tốt thì mới có thể nói chuyện với nông dân làm sao sản xuất tốt. Giờ chưa có giống chuẩn, người dân ươm trồng tùy tiện cũng ảnh hưởng tới việc chỉ đạo sản xuất” - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết nhận định.
 
Ngoài vấn đề giống, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến cũng là một điểm yếu lớn trong ngành hiện nay. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến năm 2017, ngành công nghiệp hồ tiêu chỉ có 20 nhà máy chế biến, trong đó có 5 nhà máy của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Phó Chủ tịch Trương Thanh Tùng kể địa phương mình đã xây dựng thương hiệu hồ tiêu Đăk Sông nhưng việc thực hiện chỉ dẫn địa lý đã nhiều năm vẫn chưa khai thác tốt, khâu chế biến còn thô sơ và doanh nghiệp đầu tư chế biến thì cũng chưa được nhiều. Toàn tỉnh Đăk Nông hiện chỉ có 2 nhà máy chế biến thô, chưa tạo được sản phẩm chế biến sâu.
 
Tương tự, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thu hút 4 doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hồ tiêu bền vững, dự kiến đến 2019 sẽ có thêm 400ha được chứng nhận GlobalGAP, SAN. Tuy nhiên diện tích được chứng nhận chỉ mới đạt gần 10% so với tổng diện tích trồng tiêu cả tỉnh. Con số quá thấp này cho thấy vấn đề kiểm soát chất lượng vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
Ông Hoàng Phước Bính cho rằng cần thiết phải tổ chức lại sản xuất thành tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời từ bỏ khuyên bảo và thống nhất với nhau đảm bảo thực hiện theo một quy trình tốt và liên kết với doanh nghiệp. “Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cả ‘đầu và túi’, tức là trí thức, quy trình là sản xuất tốt và nguồn vốn đầu tư. Nông dân rất cần 2 thứ đó nên liên kết sản xuất là hướng đi hiệu quả” - ông Bính khẳng định. /.

Tác giả bài viết: Nguyên Vỹ