Phân đạm, những điều cần biết
- Thứ ba - 07/01/2014 02:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đạm – dưỡng chất thiết yếu
Trong 13 loại dưỡng chất thiết yếu cho cây trồng thì đạm đứng vị trí hàng đầu về lượng hấp thụ với tầm quan trọng cao nhất, chiếm 2-3% tổng vật chất khô của cây trồng. Mỗi năm, cả nước sử dụng trên 2 triệu tấn đạm urê, đây là loại đạm dễ sử dụng vì không làm thay đổi tính axit, bazơ của đất; riêng vùng Nam bộ là hơn 1 triệu tấn.
Tuy nhiên đây lại là loại phân bón dễ thất thoát, đặc biệt qua con đường bay hơi khiến lượng đạm cây trồng hấp thụ được chỉ từ 30 – 40 % lượng cung cấp. Việc sử dụng phân đạm sao cho hiệu quả, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường là quan tâm hàng đầu của tất cả bà con nông dân nói chung và người trồng tiêu nói riêng.
Khi đạm vào trong cây sẽ được tổng hợp để giúp tạo thành các loại protein từ đơn giản đến phức tạp, hay còn gọi là chất thịt, thành phần cơ bản của cơ thể sống. Nó tham gia vào cấu tạo của axit nucleic và có vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất của cơ thể cây trồng.
Ngoài ra, đạm còn là thành phần của diệp lục tố tạo nên màu xanh cho lá cây, đây chính là yếu tố thiết yếu giúp thực vật quang hợp, biến đổi năng lượng của ánh sáng để chuyển đổi nước và cacbonic thành đường bột, nuôi sống toàn thể giới động vật.
Phân đạm là thức ăn chính của cây, giúp cho chồi, cành lá phát triển; lá có kích thước to sẽ tăng khả năng quang hợp từ đó làm tăng năng suất cây trồng.
Bón thiếu phân đạm, cây sẽ sinh trường còi cọc, lá già toàn thân biến vàng, toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây sẽ bị trì trệ do thiếu chất hình thành tế bào, các quá trình sinh hóa cũng bị ngưng trệ.
Bón thừa phân đạm, cây trồng sẽ lớn nhanh, đẻ nhánh nhiều, dễ bị đổ ngã, chậm ra hoa và khó đậu quả. Mặt khác, thừa đạm làm tăng mức độ lây nhiễm sâu bệnh do cây thiếu sức đề kháng, lá mềm, màu sắc xanh đậm của lá thu hút các loại côn trùng và nấm bệnh gây hại.
Hiện nay, nhà nông học khuyến cáo chỉ sử dụng phân đạm với liều lượng vừa đủ, tránh hiện tượng dư thừa, làm một số nông dân hiểu nhầm đây là chất độc khi bón quá mức cần thiết. Cần phải khẳng định phân đạm không phải là chất độc, các bất lợi xảy ra khi bón thừa đạm đều do cây “quá bổ”. Tiêu dài lóng, tay mềm, dễ bị gãy tay khi gặp gió lớn.
Thất thoát đạm và cách hạn chế
Đạm urê dùng để bón cho cây (NH2)2CO thường là chất rắn màu trắng, dễ tan trong nước, chứa khoảng 46% N. Khi gặp nước, urê sẽ bị thủy phân tạo thành đạm amôn (NH4), là loại đạm cây dễ hấp thu. Tuy nhiên, khi cây không hấp thụ kịp, amôn nhanh chóng bị enzym phân giải thành amôniac (NH3) và bốc hơi có mùi khai. Bên cạnh đó, đạm urê còn bị phản nitrat hóa, tạo thành oxit nitơ và bay hơi. Đây là 2 con đường bay hơi gây thất thoát chủ yếu khi sử dụng đạm.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc thất thoát như nhiệt độ, độ ẩm, độ pH của đất… Vào lúc thời tiết nắng nóng, lượng đạm bị thất thoát trong một ngày có thể lên tới 50 %.
Để tránh thất thoát khi bón urê cho tiêu, nên áp dụng cách bón lấp. Tuy nhiên, cách này rất mất thời gian, công sức và trong thực tế cách này rất ít được áp dụng. Các biện pháp như bọc phân đạm trong các chất khác cũng có một số hiệu quả nhưng chưa cao.
Chia lượng phân đạm cần bón ra làm nhiều lần để bón là cách sử dụng hiệu quả nhất. Theo khuyến cáo của nhà nông học, bón đạm nói riêng và phân khoáng nói chung cho cây tiêu nên chia làm nhiều lần, không chỉ giúp cây thường xuyên có phân để hấp thu mà còn khỏi bị “sôc” vì tiêu là loại cây khá mẫn cảm. Ngoài ra, có thể bón đạm trực tiếp cho tiêu bằng cách :
-Hòa tan phân đạm trong nước với tỷ lệ 5 phần ngàn để tưới cho tiêu qua hệ thống tưới tiết kiệm.
-Hòa tan phân đạm với tỷ lệ 1,5 – 2 phần trăm để phun trực tiếp lên lá cây vào sáng sớm hay chiều mát.