Xuất khẩu sầu riêng sang Mỹ: Cung không đủ cầu

Xuất khẩu sầu riêng sang Mỹ: Cung không đủ cầu
Công ty Phát triển công nghệ sinh học DONA TECHNO (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là doanh nghiệp đầu tiên cả nước áp dụng thành công mô hình sản xuất trái sầu riêng sạch để đưa trái cây này vào thị trường Mỹ.

 

 

Tuy nhiên, sau 4 năm xâm nhập vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp vẫn chưa thể cung ứng đủ nhu cầu trái sầu riêng Việt Nam cho thị trường giàu tiềm năng này.

 

Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc DONA TECHNO, cho biết: từ năm 2012 đến nay, mặc dù thị trường Mỹ vẫn đang có nhu cầu mua sầu riêng của công ty, nhưng do nguồn hàng khan hiếm, số lượng sầu riêng đúng quy chuẩn và chất lượng xuất khẩu lại rất hạn chế, nên Công ty không có hàng để xuất khẩu.

 

Theo ông Cường, nguyên nhân khiến nguồn hàng khan hiếm là khoảng 2 năm trở lại đây, thời tiết diễn biến thất thường dẫn đến sản lượng giảm.

 

Mặt khác, do mặt hàng sầu riêng đi Mỹ phải được chọn lựa hết sức kỹ càng cả về hình thức, trọng lượng cũng như chất lượng cơm, trong khi nguồn cung chủ yếu từ các nhà vườn nhỏ lẻ, việc gom và tuyển hàng không đáp ứng được.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 4.700 ha trồng sầu riêng hàng năm cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 27.000 tấn quả.

 

Năm 2009, DONA TECHNO đã ký hợp đồng xuất khẩu sầu riêng với một đối tác ở Mỹ. Theo đó, Công ty sẽ cung ứng dài hạn và làm nhà độc quyền phân phối trái sầu riêng nhãn hiệu DONA tại thị trường Mỹ với sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.

 

Tuy nhiên, phía công ty chỉ đáp ứng được khoảng 300 tấn loại sầu riêng có trọng lượng từ 2,5 đến 3,5 kg/quả. Năm 2011, do không đủ nguồn cung công ty chỉ xuất khẩu được một lô hàng duy nhất với 18 tấn trái.

 

Trên thực tế, khi tìm kiếm được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho trái sầu riêng, công ty đã cung cấp nguồn giống, và ký các hợp đồng thoả thuận bao tiêu sản phẩm với người dân trồng sầu riêng.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đã mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk với diện tích trên 400 ha. Tuy nhiên công ty vẫn không đủ nguồn hàng xuất khẩu do nhiều hộ nông dân bán cho các thương lái bởi giá cao hơn so với giá thu mua của công ty.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện nay việc phát triển cây sầu riêng trên địa bàn vẫn mang tính chất manh mún, tự phát và chưa có quy hoạch tổng thể, mạnh ai nấy làm và thường xuyên bị rơi vào tình huống “được mùa mất giá”. Để phát triển ổn định và tạo nguồn cung để trái sầu riêng có thể xâm nhập đến thị trường các nước cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà (nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học), trong đó có sự định hướng của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, để tránh việc sản xuất manh mún, người dân cần liên kết bằng cách tham gia vào các hợp tác xã sản xuất để có sự đầu tư đúng mức, áp dụng các quy trình kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học để có được sản lượng và năng suất, chất lượng cao./.

 

 

Tác giả bài viết: Theo TTXVN