Nuôi bò không lo ít tiền

Nuôi bò không lo ít tiền
Vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển ở thôn Trung Tân, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) ra vùng đồi lập nghiệp 13 năm qua.

Lúc đầu mới chỉ có số vốn 1 triệu đồng của Đoàn thanh niên hỗ trợ, anh mua về 1 bò cái và 1 bê chăn thả. Cứ gây giống như vậy, đến nay hai vợ chồng có tổng đàn hơn 30 con. Cứ sáng mở chuồng cho bò đi ăn và tối lùa về chuồng.

Vùng gò đồi rộng được nối liền với vạt rừng tự nhiên bản địa trên cát nên có điều kiện để chăn thả. Bò được đeo mỏ nên cứ sáng hay chiều là quanh nhà nghe tiếng mõ lách cách rộn ràng. Hầu hết là bò lai Sind nên trọng lượng lớn hơn so với giống bò cóc địa phương. Con lớn nhất đàn khoảng 300 kg.

"Nếu nuôi bò sinh sản thì khoảng vài năm là được. Bò sinh sản mỗi năm 1 lứa hoặc chậm thì 3 năm hai lứa. Bê sinh ra cần chăm sóc riêng khoảng 3 ngày là theo mẹ được. Sau 1 năm có thể xuất bán. Khi đó, bê bán cho thương lái làm thực phẩm thường có giá từ 10 - 15 triệu đồng. Nếu là bê đẹp để lại chăn thêm năm nữa có thể bán được 40 - 50 triệu đồng cho những người làm nghề xe bò kéo hoặc mua vê làm giống”.


Phát triển đàn bò ổn định kinh tế hộ gia đình ở Quảng Bình

Bây giờ nhu cầu bò thịt làm thực phẩm cũng rất lớn nên việc bán bò cũng chẳng khó khăn gì. Mỗi năm, gia đình xuất bán chừng 10 bò và số tiền thu về cũng được từ 170 - 200 triệu đồng. “Nếu có việc gì đột xuất cần đến số tiền lớn thì cũng có thể lấy từ nguồn đàn bò chứ không nhất thiết phải chạy vạy vay mượn khó khăn”, anh Hiển nói chắc chắn.

Người dân thôn Trung Tân cũng phát huy được thế mạnh trong việc phát triển đàn trâu bò. Nguồn thu phần lớn cũng từ đàn bò. Nói vui như anh Hiển là cứ có việc cần đến khoản tiền vài chục triệu thì chỉ cần nhấc máy a lô cho mối hàng. Khoảng tiếng đồng hồ sau là có người đưa tiền tươi đến trao tận tay với lời cảm ơn đã “quan tâm” gọi đến. Ngoài nguồn thu từ bán bò, người dân còn làm phân chuồng bón cây và bán cho người làm vườn.

“Nếu nuôi bò đàn, ngoài việc chăn thả thì hàng ngày bứt bổi (lá cây dễ mục nát) cho vào chuồng để bò đạp và cào ra hố phân bò để cho hoai. Người ta đến mua để bón cây vườn cũng nhiều. Tính ra, đàn bò khoảng 10 con trở lên, tiền bán phân chuồng cũng được vài triệu”, anh Hiểu nói thêm.

Nếu như xã Sen Thủy phát huy thế mạnh vùng gò đồi để trở thành địa phương có tổng đàn trâu bò cao nhất huyện Lệ Thủy thì xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) tạo được thế mạnh riêng ở vùng đất cát ven biển. Theo chị Lê Thị Diễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Xuân thì hiện tại, đàn trâu bò của địa phương có gần 1.000 con, chủ yếu là bò lai Sind.

Cách đây hơn chục năm, chỉ vài hộ trong xã mua bò về nuôi và cũng chẳng mấy ai để ý. Sau đó, thấy những hộ có thu nhập khá cao và ổn định thì việc nuôi bò trở nên quan trọng trong mắt của người dân ở xã. Vậy rồi, đàn bò trên vùng đất cát phát triển với tốc độ khá nhanh. Nhờ đó người dân có nguồn thu đáng kể. Trong khoảng 300 hộ chăn nuôi bò thì hơn 50 hộ có đàn từ 7 con trở lên. Những gia đình có điều kiện thì nuôi trên chục con như gia đình ông Phan Văn Nga (thôn Thanh Lương); ông Võ Anh Tuấn, Võ Văn Bé (thôn Xuân Kiều)…

Đàn bò ở Quảng Xuân vượt trội hơn những địa phương khác là ở tỷ lệ bò lai Sind khá cao. Ý thức được việc cải tạo đàn bò để có hiệu quả cao trong chăn nuôi nên người dân cũng đã đi đầu trong phong trào “Sind hóa” đàn bò. Hiện tỷ lệ bò lai Sind chiếm trên 80% tổng đàn. “Khoảng một, hai năm nữa là đàn bò ở đây sẽ được lai Sind hết”, chị Diễn cho hay.

Ông Võ Văn Bé có đàn bò trên chục con chia sẻ: “Nếu đàn có 7 con sinh sản thì mỗi năm có thêm 7 bê. Bê lai Sind sau một năm có thể bán được với giá từ 15 - 20 triệu đồng. Như vậy ngoài duy trì được đàn bò sinh sản và bò kéo thì mỗi năm người chăn nuôi có mức thu nhập trên 100 triệu đồng rồi”.

 

Cũng theo ông Bé thì việc phát triển chăn nuôi bò hộ gia đình với mức từ 5 - 7 con là không quá khó khăn. Để chủ động nguồn thức ăn thì nên trồng thêm trong vườn nhà vài hàng chuối, dành vài khoảnh đất trồng cỏ. Khi đi chăn thả bò cũng có thể tranh thủ bứt thêm cỏ trên đồng mang về cho bò ăn thêm.

Nguồn tin: Nongnghiep.vn