Khoa học công nghệ - chìa khóa thành công ngành Nông nghiệp

Khoa học công nghệ - chìa khóa thành công ngành Nông nghiệp
Đó là kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn diễn ra ngày 21/9 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì.

Đó là kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn diễn ra ngày 21/9 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì.

Nông dân vẫn còn rất khổ

Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, các doanh nghiệp tiêu biểu, hộ nông dân sản xuất giỏi và đại diện một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là “đầu tàu” trong nghiên cứu khoa học ứng dụng, các địa phương xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7 quán triệt tại hội nghị: Nền sản xuất của chúng ta còn manh mún, hiệu quả sản xuất chưa cao, đời sống của những người làm nông nghiệp còn rất thấp. Chúng ta xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng nhiều người viết đơn trả ruộng, không tha thiết với ruộng nữa. Cho nên hội nghị lần này phải đặt ra các vấn đề tồn tại để cùng nhau xây dựng phương án giải quyết. Nông dân là lực lượng chiến lược, là chủ thể xây dựng đất nước từ trước đến nay và về sau. Tất cả đều từ nông dân ra, nhưng nông dân chúng ta vẫn còn rất khổ. KH-CN phải chuyển hóa người nông dân, có vai trò then chốt đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trách nhiệm của các nhà khoa học là tích cực nghiên cứu, tổng kết, khắc phục và cải thiện chất lượng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham quan khu Trưng bày các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất bằng công nghệ cao

Sau hơn 5 năm triển khai, lĩnh vực KHCN đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp to lớn cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT của Quốc hội cho biết: Hoạt động KHCN đã đóng góp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường; làm gia tăng giá trị của sản phẩm. Đã có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, gỗ, cao su, cà phê, hạt điều, thủy sản... Từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã dành hơn 2.100 tỷ đồng để triển khai các dự án giống, hạ tầng thủy sản, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện 3 phòng thí nghiệm trọng điểm…; nhờ đó đã nghiên cứu, chọn tạo được hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, được đưa vào sản xuất. Gần 200 quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng trong thực tiễn, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cũng cho biết: Kết quả nghiên cứu ứng dụng KHCN vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đạt được những kết quả khả thi. Trong vòng 5 năm qua có rất nhiều nghiên cứu công nghệ thành công như phát triển chăn nuôi bò sữa bằng việc chọn lọc giống và nhân giống năng suất cao. Tạo ra công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm 30 đối tượng thủy sản. Nhiều địa phương đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như Lâm Đồng, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh...

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, KHCN trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có nhiều bước tiến đột phá, có những đóng góp to lớn trong việc tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi... Trong 5 năm, về cơ bản đã chủ động được giống cây trồng, vật nuôi (396 giống cây trồng được công nhận, 162 quy trình công nghệ được ứng dụng). Nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất nhiều loại chế phẩm, trong đó có nhiều văcxin quan trọng như tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả lợn, xoắn trùng vô hoạt dạng nước... Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn phổ biến sản xuất manh mún, công nghệ sản xuất chậm được đổi mới, hàm lượng KHCN/sản phẩm thấp so với các nước, chưa thích ứng với biến động của thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh.

Thiếu cả cơ chế chính sách lẫn tiền

Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định, nhưng hoạt động KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp và nông thôn còn không ít hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu là nền tảng và động lực cho phát triển. Các đại biểu đề xuất, để ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì cần phải có cả chính sách lẫn tiền. Theo báo cáo của Bộ KHCN, tổng kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp nhà nước mỗi năm chỉ 20 triệu USD. Do thiếu kinh phí đầu tư nên cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều viện nghiên cứu nông nghiệp rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là nghiên cứu công nghệ cao.

Bà Thái Hương từ Tập đoàn TH kiến nghị: Cần phải ban hành các chính sách mới, phù hợp để thu hút đầu tư. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách khác biệt trong vòng 3 - 5 năm để doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Phải có chính quyền mạnh, nhận thức đầy đủ về vấn đề công nghệ cao trong nông nghiệp. Muốn xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao thì nguồn lực đất đai rất quan trọng. Ít nhất, chính quyền phải bàn giao 70% đất sạch để thực hiện dự án.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị: Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Bộ NN-PTNT cần tham mưu và trình Chính phủ đưa Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt vào quy hoạch tổng thể khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao quốc gia do Trung ương đầu tư. Đặc biệt, các chương trình đầu tư, ứng dụng KHCN cho vùng miền núi cực kỳ hiệu quả. Tỉnh Lâm Đồng thực hiện 8 dự án nông thôn miền núi với kinh phí khoảng 16 tỷ đồng đầu tư cho các doanh nghiệp khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương. Tuy nhiên con số này vẫn đang rất ít ỏi so với điều kiện thực tế.

Chung quan điểm với ông S, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề xuất: Việc đầu tư cho nghiên cứu triển khai và đầu tư tiềm lực khoa học công nghệ hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trung uơng cần phải quan tâm, hỗ trợ kinh phí nhiều hơn nữa, đặc biệt là các chương trình như Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề… Đi kèm đầu tư là các cơ chế, chính sách cần thông thoáng hơn, rõ ràng hơn để có thể kêu gọi các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ví dụ, trong vòng 5 năm, tỉnh Bình Định triển khai thực hiện 31 đề tài, dự án khoa học phục vụ nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí là 22.704 triệu đồng. Trong số đó vừa phải kết hợp ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và kêu gọi sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu. “Các chương trình đầu tư ứng dụng KHCN cho nông thôn miền núi đang rất hiệu quả nhưng hầu hết các địa phương đều chỉ triển khai được một nửa, gián đoạn do Bộ KHCN chưa có tiền. Đầu tư gián đoạn chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả cao nhất được”, bà Hà phân tích.

Chỉ có KHCN mới nâng cao được thu nhập cho nông dân

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích: KHCN chính là chìa khóa thành công của ngành nông nghiệp. Đất nông nghiệp chúng ta có hạn, không mở rộng, thậm chí còn bị hẹp đi. Chỉ có KHCN mới nâng cao được năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tiềm năng ngành nông nghiệp nước ta khá lớn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm tới vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giữ nền tảng cơ bản của sự ổn định nền kinh tế trong nước trước tác động của tình hình khủng hoảng của kinh tế thế giới. Trong tiến trình phát triển nông nghiệp cần có tầm nhìn toàn diện để có hướng phát triển hiệu quả, trong đó chú ý công tác quy hoạch đất, ngành, vùng, sản phẩm gắn với khoa học và chính sách phát triển, chất lượng và hiệu quả, nâng cao đời sống của các đối tượng tham gia lĩnh vực nông nghiệp của bà con nông dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, qua sơ kết việc thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành, địa phương cần đánh giá đúng mức, nhiều chiều, cả về chất và lượng, vai trò quan trọng, tác động của KHCN, của đội ngũ nhà khoa học nói riêng, mối quan hệ và sự liên kết "bốn nhà" đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong 5 năm qua. Từ đó tìm ra các giải pháp và hướng đi phù hợp với điều kiện, phát huy cao nhất tiềm năng và lợi thế từng địa phương trong những năm tiếp theo.

 

“Cần phải đổi mới công tác quản lý và hoạt động KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Phân tích, đánh giá sâu sắc sự tiếp nhận khoa học, tiến bộ công nghệ của người nông dân, theo đó, cần lấy hiệu quả, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp trong xu thế cạnh tranh thị trường, trong quá trình hội nhập làm tiêu chí đánh giá xác thực. Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra cán cân, lợi thế trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của đất nước.” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nguồn tin: Nongnghiep.vn