“Cấp cứu” cho xuất khẩu nông sản

“Cấp cứu” cho xuất khẩu nông sản
Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng, nếu không có các giải pháp gỡ khó cấp bách, xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông sản từ nay tới cuối năm sẽ rơi vào thảm cảnh...
Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng, nếu không có các giải pháp gỡ khó cấp bách, xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông sản từ nay tới cuối năm sẽ rơi vào thảm cảnh...

Giảm cả giá và lượng...

Từ đầu năm đến nay, XK các mặt hàng nông sản liên tục giảm cả về lượng và giá trị. Ông Hồ Văn Niên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, XK nông sản năm nay của tỉnh dự báo sẽ không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Chưa năm nào, XK các mặt hàng nông sản của tỉnh khó như năm nay, hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm cả về lượng và kim ngạch so cùng kỳ. Đến thời điểm này, duy nhất cao su có lượng xuất khẩu tăng 18,41%; còn lại XK các mặt hàng nông sản khác đều giảm so cùng kỳ như nhân điều giảm 29,51%, thủy sản giảm 12,24%...

Theo ông Niên, khó khăn nhất là ngành thủy sản do nguyên liệu khan hiếm, nguồn thu mua chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu, giá bán ra thấp, trong khi đầu vào tăng cao. Ngành hạt điều cũng khó do mất mùa, còn cao su gặp khó do giá giảm cộng với thời tiết không thuận lợi, khiến sản lượng đạt thấp.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc sụt giảm XK một số mặt hàng nông sản chủ lực có nhiều nguyên nhân: Nhu cầu của thị trường nhập khẩu không tăng, nguồn cung hàng hóa trong nước giảm…

"Cả giá và lượng XK hàng nông sản từ đầu năm đến nay luôn thấp hơn so với cùng kỳ, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổng kim ngạch XK nói chung. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do khó khăn chung của nền kinh tế và việc hạn chế tiêu dùng, thêm nữa do điều kiện thời tiết không thuận lợi đã gây ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch"-ông Trần Thanh Hải-Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa), ông Lương Văn Tự cũng nêu thực tế: XK cà phê 8 tháng đầu năm giảm do sản lượng cà phê năm nay giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Tự, khó khăn với DN cà phê trong nước là còn phải cạnh tranh với những DN nước ngoài tham gia thu mua cà phê trên thị trường.

Theo ông Trương Đình Hòe-Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN, 8 tháng đầu năm nay XK thủy sản liên tục gặp khó do nguồn nguyên liệu không ổn định, thị trường bị thu hẹp bởi khó khăn về kinh tế nói chung. Ngoài ra, việc liên tục bị kiện tụng thời gian qua đối với các DN thủy sản cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch XK cũng như thương hiệu các mặt hàng nông sản XK nói chung của VN.

Gỡ cách nào?

Theo ông Trần Thanh Hải, có thể thấy, XK các mặt hàng nông, thủy sản trong nước luôn trong trạng thái bị động dẫn đến việc sản lượng và giá XK của VN luôn trong trạng thái không ổn định. Do vậy, chúng ta cần tập trung hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng và thương hiệu cho các mặt hàng nông, thủy sản XK nhằm tạo dựng được uy tín lâu dài với đối tác và nâng cao tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ông Hải cho rằng, xét về các tiêu chuẩn XK có thể nói tiêu chuẩn của VN thường thấp hơn tiêu chuẩn của đối tác. Tuy nhiên, việc đối tác liên tục đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe, nhiều khi là không cần thiết đối với sản phẩm nông sản của VN đã gây khó cho DN của ta. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tích cực hơn trong việc tham gia đàm phán nhằm bỏ bớt các rào cản không cần thiết.

Thực tế, để gỡ khó cho XK nông sản, ngay từ giữa năm các cơ quan quản lý nhà nước đã nghĩ tới phương án cần có “phao cứu trợ” tín dụng đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực. Ông Tự cho biết, Chính phủ đã đồng ý gia hạn cho vay tín dụng XK đối với mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản XK từ 12 tháng lên 36 tháng.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đánh giá khó khăn, trở ngại hiện nay đối với từng mặt hàng nông sản XK; từ đó xác định đối tượng cụ thể cần hỗ trợ, đề xuất biện pháp hỗ trợ phù hợp. 

Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho rằng, VN cần xác định lại mục tiêu XK nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có gạo, không chạy theo số lượng, ví dụ với gạo chỉ hạn chế ở mức 6 triệu tấn/năm. Ngành trồng trọt cần có những bộ phận phối hợp với Hiệp hội Các DN kinh doanh XK theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ và nhu cầu thị trường để khuyến cáo người dân ở các địa phương nên trồng cây gì, nuôi con gì thì mới có thể bán được giá cao.
 
Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 54 theo thủ tục rút gọn để bổ sung mặt hàng cà phê và các mặt hàng nông sản XK được xác định vào danh mục hỗ trợ, gia hạn thời gian vay tín dụng XK. Ngân hàng Nhà nước cũng được giao chỉ đạo các tổ chức tín dụng có giải pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho đối tượng kinh doanh cà phê và các mặt hàng nông sản XK...

Tuy nhiên về lâu dài, bà Nguyễn Thị Hồng -Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NNPTNT cho rằng, VN phải cải thiện chất lượng nông sản XK. Hiện nay, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội, cản trở nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới.

Tỷ lệ nông sản xuất khẩu bị từ chối và bị liệt vào danh sách phải kiểm soát chặt chẽ tại các nước quá cao khiến việc tiêu thụ nông sản bị ách tắc, giá xuất khẩu bị ép xuống thông qua những rào cản kỹ thuật và phòng vệ thương mại.

Chuyên gia kinh tế thương mại Phạm Tất Thắng cũng đề xuất, sản xuất nông sản hiện đang báo động mất an toàn, như thủy sản gần bờ thì cạn kiệt, cây trồng vật nuôi thì gặp tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh liên miên, đất đai bạc màu, thiếu nước...

Do đó, nếu sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, nguy cơ ảnh hưởng xấu tới tiêu thụ là khó tránh khỏi. Theo ông Thắng, việc cần làm là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, có thể vài năm đầu nông nghiệp tăng trưởng chậm nhưng sẽ bền vững hơn với sản phẩm làm ra.
 

Tác giả bài viết: Theo Mai Hương - Dân Việt