Kịch bản nào cho hồ tiêu Việt Nam?

Giá tiêu đang rất tốt. Nhiều tỉnh trọng điểm về tiêu đều đổ xô trồng nhưng diện tích không tăng lên bao nhiêu là có nguyên do. Bởi, giàu nhờ tiêu và phá sản cũng có thể vì tiêu. Vậy kịch bản nào cho hồ tiêu Việt Nam?
Giá tiêu đang rất tốt. Nhiều tỉnh trọng điểm về tiêu đều đổ xô trồng nhưng diện tích không tăng lên bao nhiêu là có nguyên do. Bởi, giàu nhờ tiêu và phá sản cũng có thể vì tiêu. Vậy kịch bản nào cho hồ tiêu Việt Nam?

“Cơn sốt thế kỷ”

Hơn 2 tháng nay, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đồng loạt cơn sốt giá tiêu giống. Tháng 6, giá 1 dây tiêu giống 3 mắt tại Bình Phước còn là 15.000đ nay đã tăng lên 25.000đ. Nọc bằng gỗ cao 4m trước đây chỉ 180.000đ/nọc nay đã tăng lên 300.000đ nhưng khan hiếm và không có hàng. Nọc bằng beton cũng tăng từ 100.000đ/trụ lên 120.000đ. Các vựa cây giống trước cửa Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Đăk Lăk) đều trong tình trạng “cháy” mặc dù giá đã tăng gấp 2. Trên thị trường hiện phổ biến 3 giống, giống Vĩnh Linh, giống tiêu sẻ và giống Ấn Độ, mỗi giống đều có những đặc điểm thích hợp trong từng điều kiện sản xuất và thổ nhưỡng cụ thể nhưng người mua lại không có quyền lựa chọn, hơn thế nữa, dù là dây hay bầu thì tiêu chuẩn phải là 3-4 mắt dây thân chính nhưng nay đều được chặc lưỡi bỏ qua.

Giá giống, vật tư và lao động đều tăng khiến cho chi phí trồng mới cho mỗi ha tiêu tăng vọt từ 220 triệu/ha lên 350 triệu (đã có sẵn đất) nhưng vẫn không làm nông dân nản chí, rất nhiều vườn cà phê được thanh lý vội để nhường chỗ cho cây tiêu. Tại Gia Lai, diện tích trồng mới được dự báo khoảng 700 – 800 ha, Đăk Lăk cũng có khả năng thêm 600 ha. Bình Phước có diện tích tiêu lớn nhất nước với con số thống kê năm 2011 là 10.866 ha tưởng như đã bão hòa nhưng con số trồng mới cũng ước khoảng 500 ha… Các tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn khác như Đăk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai đều có diện tích tăng. Cũng theo thống kê, diện tích tiêu của Việt Nam vào năm 2011 đã đạt 55.800 ha nhưng theo dự đoán thì có khả năng vượt từ 1.000-2.000 ha.

Giá cao là động lực mở rộng diện tích. Theo Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC), giá hồ tiêu liên tục tăng mạnh trong 3 năm qua, năm 2010 giá tiêu đen bình quân được giao dịch ở mức 2.973 USD/T, năm 2011 đã tăng lên 4.794 USD và 6 tháng đầu năm 2012 là 6.513 USD/T. Con số tương ứng với tiêu trắng là 4.432 USD; 7.117 USD và 9.434 USD/T. Giá thế giới tăng đã kéo giá tiêu đen trong nước tăng từ 55.000 đ/kg lên 125.000 đ/kg, thậm chí có tháng tại Gia Lai giá tiêu đạt 160.000 đ/kg. Cũng theo IPC, giá tiêu tăng tương ứng với mức sụt giảm sản lượng và năng suất của nhiều nước trên thế giới. Ấn Độ trước đây có sản lượng trên 100.000 T đã giảm xuống 50.000 T vào năm 2009 và năm 2011 chỉ còn 40.000 T. Indonesia giảm từ 52.000 T/2009 xuống còn 41.000 T, Brazin từ 40.000 T/2009 giảm chỉ còn 35.000 T. Việc sút giảm sản lượng đã kéo theo giảm lượng tồn kho từ 100.000 T xuống chỉ còn 35.000 T.

Thâm canh vườn tiêu

Các nhà khoa học quốc tế thăm vườn tiêu thâm canh tại xã Quảng Thành, Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu

“Vietnam number one”

Đấy là phát biểu của ông S.Kannan, Tổng Giám đốc IPC nhân chuyến tham quan vườn tiêu của nông dân tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu vào ngày 8/8 vừa qua. Cũng trong chuyến đi đấy, TS Sumanasena, Viện trưởng Viện nghiên cứu đa canh của Sri Lanka cũng rất thán phục khi được mục sở thị mô hình xen canh tiêu với cà phê chè “mỗi nông dân VN xứng đáng là một nhà khoa học thực nghiệm”.

Không những chỉ nói suông, bản tin thị trường tháng 5/2012 của IPC có đoạn viết “So với tháng 4/2012, giá tiêu đen tháng 5/2012, tăng 2,1% từ 6.703 USD/tấn lên 6.844 USD/tấn, tiêu trắng tăng 2% từ 9.459 USD/tấn lên 9.651 USD/tấn. Chỉ số giá tăng chủ yếu là do việc giá tăng diễn ra ở Việt Nam, nhà cung cấp lớn nhất, mặc dù giá ở các nước có trồng tiêu khác đang giảm… Do thiếu cạnh tranh, Việt Nam vẫn là đại diện chính xác định hướng thị trường, giá cả và nông dân ở Việt Nam không quan tâm đến việc bán hạt tiêu ở mức giá thấp hơn và sẵn sàng giữ hàng tồn trữ”.

Với sản lượng trên 100.000 T, chiếm 1/3 sản lượng thế giới và chiếm 50% sản lượng giao dịch toàn cầu, hồ tiêu không những là nông sản duy nhất VN làm chủ và khống chế thị trường, mà còn là nghề tạo nên những cái nhất thế giới. Phúc Sinh, một công ty TNHH buôn bán 16.000 T hồ tiêu/năm, chiếm 7% sản lượng giao dịch hồ tiêu của toàn thế giới là doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về mặt hàng này. Hiệp hội hồ tiêu VN mỗi năm đóng góp tiền niên liễm 90.000 USD cho IPC – hiệp hội mạnh nhất thế giới.
Có nên theo cọ dầu của Malaysia?

Trước đây, Malaysia quyết định phá cao su, ca cao trồng cọ dầu và hiện nay cây cọ dầu trở nên cây trồng có hiệu quả cao nhất và Malaysia đã trở thành quốc gia chi phối thị trường dầu cọ thế giới. Malaysia làm được điều đó bởi điều kiện tự nhiên của họ tối thích cho cây cọ dầu.

Hồ tiêu Việt Nam cũng có những nét tương tự vì được trồng trên nền tro bụi của núi lửa, người dân quen với thâm canh, cần cù và lao động nông nghiệp chưa phải là thiếu thốn. Vậy các nhà hoạch định chính sách có nên nhân cơ hội hồ tiêu các nước đang suy giảm mà mở rộng diện tích để áp đảo? Rất đáng tiếc câu trả lời là không nên bởi những lý do sau:

tieu-daklak-benh

Ea H’Leo là huyện trồng tiêu trọng điểm của Đăk Lăk, nhưng rất nhiều diện tích bị chết từ 20-30% đến 100% vì nấm bệnh

Giàu nhờ tiêu và phá sản cũng vì tiêu. Tại sao các tỉnh trọng điểm về tiêu đều đổ xô trồng mà diện tích tiêu không tăng lên bao nhiêu, điều đấy chỉ có thể lý giải là diện tích trồng mới rất cao ấy chỉ đủ để bù đắp cho diện tích bị chết hàng năm vì dịch bệnh.

Các vùng tiêu lớn như Chư Păh, Chư Pưh, Ea H’Leo có hàng trăm tỷ phú tiêu nhưng cũng có không ít hộ bị phá sản vì tiêu. Trong chuyến khảo sát của các nhà khoa học quốc tế về hồ tiêu vừa qua cũng đã phát hiện rằng vườn tiêu Việt Nam đang phải đối đầu với các dịch bệnh nguy hiểm.

Sản lượng của các nước có suy giảm tiếp tục không? Trả lời câu hỏi tại sao sản lượng tiêu của Ấn Độ giảm từ 100.000 T xuống chỉ còn 40.000 T, trong lúc Ấn Độ là quốc gia duy nhất có nghiên cứu khoa học bài bản về cây tiêu, có ngân hàng gen cây tiêu. Giáo sư Anandaraj, giám đốc Viện nghiên cứu gia vị Ấn Độ giải thích, diện tích giảm sút của Ấn Độ vì dịch bệnh trong thời gian qua chủ yếu ở những nơi tập trung, người Ấn trồng tiêu quảng canh nên diện tích khó giảm thêm, mặt khác nhà nước Ấn đang có chính sách hỗ trợ cho người trồng tiêu (cho không trụ và 2 dây tiêu giống cho mỗi trụ) và Ấn Độ cũng đã lai tạo được các giống mới năng suất 5 T/ha và có tính chống chịu cao hơn. Các nước khác như Indonesia, Malaysia cũng đang có chính sách tương tự.

Nhu cầu tăng không đáng kể: Khi nghe ông S.Kannan, Tổng Giám đốc IPC nói giao dịch hồ tiêu tăng 8%/năm, rất nhiều người cứ ngỡ đây là cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên khảo sát chuỗi số liệu 15 năm liền thì nhu cầu về hồ tiêu tăng không đáng kể, trong lúc sản lượng giao dịch lại tăng bởi sản lượng của một số nước sụt giảm.

Không có nơi nào trên thế giới lại có lợi thế về cây tiêu như Việt Nam nhất là vùng Tây Nguyên (năng suất bình quân Gia Lai đạt 4,52 T/ha) nhưng cũng không thể mở thêm diện tích bởi cây tiêu chỉ cần dư một tí là các nhà đầu cơ quốc tế lại dìm giá mà bài học giá đã xuống dưới 2.000 USD/T trong những năm 2002 – 2006 còn nóng hổi.

Giá cà phê

Theo Quang Ngọc (Báo Nông nghiệp Việt Nam)