Hoạt động của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê & những bài học kinh nghiệm.

Hiep hoi ho tieu Chu Se

Hiep hoi ho tieu Chu Se

Kính thưa các quý vị ! Tổng quan về ngành hàng hồ tiêu Chư Sê: Diện tích trồng Tiêu của huyện Chư Sê hiện có khoảng 2.500 ha, trong đó, diện tích tiêu thu hoạch khoảng 2.300 ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt từ 8.000-10.000 tấn, chiếm khoảng 35-40 % sản lượng của tỉnh và từ 8 - 9% sản lượng cả nước.
Kính thưa các quý vị !
 
Tổng quan về ngành hàng hồ tiêu Chư Sê:
Diện tích trồng Tiêu của huyện Chư Sê hiện có khoảng 2.500 ha, trong đó, diện tích tiêu thu hoạch khoảng 2.300 ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt từ 8.000-10.000 tấn, chiếm khoảng 35-40 % sản lượng của tỉnh và từ 8 - 9% sản lượng cả nước.
Nhiều vườn tiêu già cỗi sau nhiều năm khai thác và tiêu bị nhiễm bệnh chết làm giảm diện tích, tuy nhiên do giá tiêu tăng liên tục trong mấy năm qua, đã gia tăng diện tích trồng mới . Điều đáng mừng là đến nay vùng trồng tiêu của huyện nhà xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi, tạo được vườn tiêu phát triển bền vững, ít sâu bệnh, cho năng suất chất lượng cao, đạt trung bình 5-6 tấn/ha và cao là 7-10 tấn/ha, cá biệt trên 10 tấn/ha. Họ đã trở thành những tấm gương điển hình, được nhiều bà con từ các nơi đến học hỏi để áp dụng kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học để tạo được vườn tiêu sạch bệnh, phát triển bền vững.
Đặc biệt, Hồ tiêu Chư Sê hội đủ các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất, với các biện pháp canh tác nghiêm ngặt, phát triển theo hướng sản xuất bền vững nên Hồ tiêu Chư Sê có đặc tính riêng biệt, kích cỡ hạt lớn, dung trọng cao bình quân đạt 570 gr/lít, có vị thơm và độ cay đặc trưng so với các vùng trồng Tiêu khác, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có vi khuẩn Ecoli, Samonella, không có độc tố Aflatoxin, các dư lượng độc hại như Nitrat, các loại thuốc bảo vệ thực vật, v.v… phù hợp với các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…
Hồ tiêu Chư Sê đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký độc quyền Nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Chư Sê” đã mở ra triển vọng mới cho người sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh, chế biến xuất khẩu hồ tiêu.
 
 Năm 2012, ngành hồ tiêu trên địa bàn huyện đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước hơn 35 tỷ đồng/95 tỷ đồng chỉ tiêu thu ngân sách từ thuế (VAT) các mặt hàng nông sản. Ước tính vụ mùa 2012 – 2013 sản lượng hồ tiêu trên toàn huyện khoảng gần 7.581,7 tấn tương đương với gần 1.000 tỷ đồng. Đây chính là nguồn thu rất lớn trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đưa huyện Chư Sê ngày càng phát triển.
Tổ chức và hoạt động của hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê:
Đại hội thành lập Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê ngày 06/9/2008, với tổng số 1.462 hội viên, trong đó chủ yếu là hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hồ tiêu trên địa bàn huyện ( chưa tách huyện Chư Pứ).
 Với chức năng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội có trách nhiệm thực hiện việc liên kết “bốn nhà” để thực hiện các nhiệm vụ chính là:
       - Giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm và vườn cây phát triển bền vững.
- Tìm hiểu và thông tin về thị trường, giá cả để hội viên, nông dân xác định  lựa chọn thời điểm để bán hàng đúng giá sản phẩm của mình.
       - Tổ chức quản lý và quảng bá Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê.
Những  kết quả đạt được trong thời gian qua:
Tiếp nhận ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và  bảo quản sản phẩm Hồ tiêu.
-   Chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng  và triển khai các mô hình sản xuất hợp lý về canh tác tiêu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, làm chuyển biến nhận thức mới cho người dân trong canh tác cây hồ tiêu, thông qua các đề án:
 +  Trồng tiêu với cây trụ sống (cây Keo dậu).
 +  Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước bằng Béc nhỏ phun mưa cho cây hồ tiêu.
-   Phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường – Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi trùn quế tại các xã của huyện Chư Sê.
-   Chuyển giao công nghệ: qua các  đề tài:
 + Quy trình IPM trên cây Hồ tiêu.
        + Bình tuyển giống Tiêu phù hợp đưa vào nhân giống bằng phương pháp cấy mô.
        +  Quản lý dịch hại tổng hợp
–  Thành lập các liên minh sản xuất: qua các dự án:
  +  Liên minh chế biến Tiêu sọ tại xã Albá và Kông Htok.
  +  Liên minh sản xuất Hồ tiêu bền vững theo hướng GAP, tại xã Chư Pơng.
Tổng số các dự án trên được ngân hàng thế giới hỗ trợ thông qua nhà nước Việt Nam với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ không hoàn lại hơn 12 tỷ đồng. Thông qua các dự án này người dân sẽ được tiếp thu một số công nghệ mới về trồng, chăm sóc vườn Tiêu theo hướng bền vững, nâng cấp một số cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, liên minh với Doanh nghiệp để ổn định đầu ra, tăng giá trị sản phẩm Hồ tiêu, tăng thu nhập cho người nông dân và đây cũng là tiền đề để tổ chức sản xuất Hồ tiêu theo quy trình GAP.
-  Hiệp hội đã tiếp xúc với các kênh thông tin và truyền thông để giới thiệu quảng bá về Thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”. Thông qua các kênh báo chí, truyền thông, phối hợp chặt chẽ với sở KHCN tỉnh và các Bộ, Ngành liên quan để thực hiện các chương trình quảng bá, cùng với đó đã tiếp nhận website mang tên miền: tieuchuse.com.vn của sở KHCN tỉnh thuộc chương trình quảng bá Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê và đã lập thêm wedsite hiephoihotieuchuse.com.vn với mục đích để các hội viên truy cập những thông tin liên quan đến sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê.
-  Hiệp hội cũng đã tạo điều kiện cho sinh viên các trường Đại học, các nhà nghiên cứu và bà con nông dân ở nhiều vùng trồng Tiêu từ các nơi khác muốn tới tham quan, học hỏi và tìm kiếm tài liệu, kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc Tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê.
     -  Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hùng Hưng đã gắn nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Chư Sê” lên bao bì thành phẩm của mình, nhằm nâng cao giá trị hàng hoá của sản phẩm trên thị trường, nhằm làm tăng doanh thu và góp phần quảng bá Thương hiệu tập thể “Hồ tiêu Chư Sê”.
-  Hiệp hội đã thành lập “Trung tâm kết nối mua bán” nguyên liệu Hồ tiêu trực thuộc Hiệp hội, đây là cầu nối uy tín giữa người mua và người bán nguyên liệu Hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê.
-  Hiệp hội cũng đã làm việc với các Doanh nghiệp cung cấp phân bón có uy tín về chất lượng, giúp các hội viên mua phân trả chậm từ 50% - 100% chi phí phân bón cho các mùa vụ (Có hợp đồng và cam kết giữa người mua và người bán), giúp cho hội viên nông dân chủ động chăm sóc cây trồng kịp thời, giảm bớt khó khăn về vốn chăm sóc vườn tiêu. Qua sử dụng thời gian dài, đã đánh giá được chất lượng các loại sản phẩm phân bón đạt hiệu quả, làm tăng thêm niềm tin cho hội viên trong việc phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, đạt năng suất cao.
-  Văn phòng Hiệp hội nắm bắt thông tin trên mạng và các nguồn thông tin tổng hợp hàng ngày và thông tin báo giá cụ thể của các doanh nghiệp tại địa phương để báo giá hàng ngày qua “Hệ thống trả lời tự động” với 3 đường line vào thu trên đường dây điện thoại cố định mang các số: (059)3.768687 – 3.768688 – 768689, để hội viên biết được thông tin giá cả thị trường hồ tiêu kịp thời, để bán hàng theo đúng tiêu chuẩn và đúng giá thị trường của địa phương, giảm được tình trạng hội viên bán hàng bị ép giá, đồng thời khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo từng thời điểm để hội viên là nông dân biết thực hiện việc chăm sóc vườn tiêu của mình kịp thời và đạt kết quả.
Những bài học kinh nghiệm:
Về tổ chức sản xuất:
  -    Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, cùng với sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, đã tạo điều kiện cho Hiệp hội tổ chức hoạt động thuận lợi đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
-   Hiệp hội đã hướng dẫn cho nông dân sản xuất theo qui trình kỹ thuật (tạm thời của huyện) để khuyến cáo và hướng dẫn người sản xuất hồ tiêu đi theo hướng hữu cơ, sinh học, giúp vườn tiêu phát triển bền vững, đạt năng suất cao, hạn chế dịch hại gây thiệt hại để vườn tiêu phát triển ổn định, thực hiện quản lý, quảng bá và bảo vệ được uy tín thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”.
-   Hiệp hội đã xây dựng hệ thống Tổng đài trả lời tự động, thường xuyên cập nhật và chuyển tải kịp thời những thông tin về: Giá cả thị trường mua bán tiêu nguyên liệu hàng ngày của các Doanh nghiệp tại địa phương; những khuyến cáo về những việc cần làm  thường xuyên của các chủ vườn tiêu trong từng giai đoạn cụ thể, để hội viên định hướng tốt chăm sóc vườn tiêu.
- Hiệp hội tham gia tích cực cùng Đoàn khảo sát Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam để khảo sát các vùng trồng tiêu trọng điểm trong cả nước. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho hồ tiêu Chư Sê, mang lại hiệu quả trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến hồ tiêu theo hướng bền vững, đạt năng suất, chất lượng cao.
- Hiệp hội thường xuyên giữ mối liên hệ với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học chuyên ngành, các Doanh nghiệp kinh doanh phân bón, nông sản, thuốc Bảo vệ thực vật để nắm bắt và ứng dụng các tiến bộ KHKT mới nhằm áp dụng thực tế trên cây Hồ tiêu. Như xây dựng các mô hình trình diễn tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình hay, những việc làm hay để về áp dụng cho vườn tiêu của mình.
Về xây dựng, quản lý và bảo vệ thương hiệu:
- Nhờ có sự lãnh đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, sự chỉ đạo và quyết tâm của UBND huyện trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”. Đồng thời, có sự hỗ trợ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, của các Vụ, Viện, các nhà khoa học có tâm huyết để xây dựng thành công Thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” như ngày hôm nay.
- Trước khi có ý định xây dựng thương hiệu, phải tổ chức khảo sát, đánh giá, tìm ra một số đặc điểm chủ yếu về: Năng lực sản xuất, sản lượng của vùng nguyên liệu, tính đặc trưng sản phẩm hàng hóa, có ưu thế hoặc vượt trội hơn các sản phẩm cùng loại của khu vực khác hay không để có cơ sở quyết định việc xây dựng thương hiệu.
- Trước khi xây dựng thương hiệu tập thể phải có một tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hiệp hội, Hội, Cậu lạc bộ,… để quản lý, quảng bá và bảo vệ thương hiệu đó. Phải có các Doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm hồ tiêu để cung cấp tới tay người tiêu dùng, xuất khẩu và đồng thời phải gắn nhãn mác của thương hiệu lên sản phẩm.
- Có quy trình kỹ thuật chung cho người trồng tiêu và thực hiện tổ chức hoạt động sản xuất theo nhóm hộ nông dân, các tổ hợp tác sản xuất theo một quy trình thống nhất, có ghi chép nhật ký nông hộ và tiến đến sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ,…
Khó khăn tồn tại:
-  Chưa xây dựng một quy trình kỹ thuật chung và còn nhiều chủ vườn cũng chưa thực hiện tốt việc canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ và bền vững nên chất lượng của sản phẩm không đồng đều, quản lý dịch hại như: Rệp sáp hại rễ, tuyến trùng, các loại nấm bệnh gây héo chết nhanh, vàng lá chết chậm, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển bền vững của vườn tiêu.
-  Các hộ sản xuất chủ yếu bán nguyên liệu thô, chưa chú trọng tới việc chế biến để tăng chất lượng, giá trị sản phẩm và việc dán nhãn mác của thương hiệu lên sản phẩm để tăng giá trị kinh tế.
     - Tuy các Chi hội ở cơ sở đã được bầu ra ở (14 xã, thị trấn), nhưng hoạt động chưa đồng đều, một số chi hội hoạt động rất hiệu quả thì cũng có những chi hội hoạt động còn hạn chế, chưa nắm bắt rõ tình hình và nguyện vọng của hội viên.
      - Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Hiệp hội còn thiếu thốn, việc thu hội phí của hội viên chưa được bao nhiêu, nguồn kinh phí hoạt động phần lớn phụ thuộc vào vào nguồn hỗ trợ ngân sách huyện, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và dịch vụ, nên Hiệp hội còn thiếu kinh phí để hoạt động. Vì vậy, việc nắm bắt tình hình hoạt động của các chi hội và tình hình sản xuất, kinh doanh của các hội viên còn nhiều hạn chế, nhất là việc chuyển các thông tin cần thiết và kịp thời cho hội viên, cần phải khắc phục và làm tốt hơn trong thời gian tới.
Phương hướng, giải pháp:
     - Tiếp tực tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến các ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình trình diễn rộng khắp trên địa bàn toàn huyện nhằm tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng cao và đồng đều, cho các nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thành nhiều chủng loại sản phẩm hồ tiêu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
     - Triển khai xây dựng các mô hình ICM trên cây hồ tiêu nhằm xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu bền vững tại địa bàn theo hướng GAP.
     - Tiến hành dán nhãn, tem thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” cho sản phẩm hàng hóa (thành phẩm) để nâng cao giá trị của hồ tiêu Chư Sê và tăng thu nhập cho người sản xuất.
- Xây dựng Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê lớn mạnh cả về chất và lượng, là đầu mối để nông dân trồng tiêu, các nhà khoa học, các doanh nghiệp có tiếng nói chung, hỗ trợ cho nhau để bảo vệ thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” và chia sẻ trách nhiệm, lợi ích.
    - Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ ngành ở trung ương, chính quyền các cấp và ngược lại cũng phản ảnh, đề xuất các giải pháp phù hợp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu.
    - Chỉ đạo các Chi hội thành lập các phân hội để thuận tiện cho việc quản lý nắm bắt tình hình số lượng hội viên, tình hình sản xuất tại từng cơ sở và nguyện vọng của hội viên.
    - Thường xuyên liên lạc và trao đổi với Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, các viện nghiên khoa học kỹ thuật, các trường Đại học…để nắm bắt quy trình chăm sóc tiên tiến và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, những thông tin bổ ích về giá cả thị trường xuất nhập khẩu ngành Hồ tiêu.
    - Phối hợp thực hiện theo kế hoạch xây dựng và phát triển nông thôn mới của Bộ NN&PTNT, BCH. Tổ chức các tổ nhóm sản xuất của nông dân và liên kết với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra, tăng giá trị sản phẩm hồ tiêu, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời giúp cho bà con nông dân trên địa bàn nâng cấp một số cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất, tạo tiền đề để tổ chức sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP và thực hiện cánh đồng mãu lớn.                                        
Kiến nghị:
1. Căn cứ theo nội dung QĐ 899/QĐ-TTg về việc Phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê xin đặt hàng với các Viện, Trường Đại học, các Trung tâm chuyển giao công nghệ, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu chế tạo ra máy hái tiêu, để giảm áp lực công lao động vào mùa thu hoạch và hạ giá thành sản phẩm cho người sản xuất. (Xin liên hệ với thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê  để nắm thêm thông tin)
2. Việc kết nối sản xuất với Công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm với chuỗi giá trị toàn cầu là rất cần thiết vì mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam đang có nhiều lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, do vậy Hiệp hội xin kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT và các Bộ ngành liên quan nên cho xúc tiến ngay việc thành lập “Viện nghiên cứu chuyên ngành Hồ tiêu Việt Nam” nhưng nội dung không chỉ là Khoa học kỹ thuật, Công nghệ mà cả Maketing, như cách làm một số nước đã mang lại kết quả rất tốt, địa điểm để đặt trụ sở có thể là thành phố Pleiku, huyện Chư Sê hoặc huyện Chư pưh.
3. Hiện nay, nhiều địa phương đang có kế hoạch xây dựng Thương hiệu tập thể về Hồ tiêu như Thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”. Theo chúng tôi với sản lượng chiếm gần 40% và thị phần xuất nhập khẩu chiếm gần 50% của thế giới và trong tương lai gần tỷ lệ này có thể tăng lên thì với vai trò và vị thế đó chúng ta nên tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia “Hồ tiêu Việt Nam”, từng địa phương nên đi vào xây dựng chỉ dẫn địa lý và các doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu nên phối hợp với các địa phương có tổ chức hội, tổ chức sản xuất cùng với các chủ vườn Tiêu theo mô hình “Cánh đồng liên kết”. Từ cơ sở đó sẽ có đủ điều kiện để truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi cần thiết và các doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu tốt để tổ chức chế biến tạo ra những sản phẩm cao cấp và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và uy tín của Hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
4. Theo thông tin chúng tôi nhận được, cả thế giới hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 1/2 số người trực tiếp có sử dụng hạt tiêu, ngay trong nước ta số người trực tiếp thường xuyên có sử dụng Tiêu làm gia vị cũng khoảng 2/3 dân số. Vì vậy, xin kiến nghị với Chính phủ, Bộ và các ngành liên quan tăng cường quảng bá “Hồ tiêu Việt Nam” bằng nhiều hình thức và nội dung như Xúc tiến thương mại, đăng ký tham dự hội chợ triễn lãm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cần chú trọng những thị trường mới tiêu thụ nhiều Hồ tiêu như Nga, Ba Lan, Ả rập Saudi, Trung Quốc, châu Phi và kể cả đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nước. Và xin tổ chức Lễ hội hồ tiêu hoặc “Festival Hồ tiêu Việt Nam” trong thời gian tới vào thời điểm thích hợp.
5. Xin Kiến nghị với chính phủ: Hàng năm vào mùa vụ thu hoạch chính tại 6 tỉnh trồng tiêu trọng điểm với hơn 90% sản lượng vào giữa quý I và đầu quý II, nhất là giai đoạn tháng 4 – 5, đây cũng là thời điểm sản lượng hồ tiêu người dân bán ra nhiều nhất, làm cho nguồn cung hồ tiêu dồi dào và giá xuống thấp, thiệt hại cho người dân. Vì vậy, xin kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm có chính sách để ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn vay để các Doanh nghiệp hoặc hộ nông dân tạm trữ hoặc dự trữ, khi giá xuống thấp hạn chế thiệt hại cho người sản xuất.
6. Đề nghị các địa phương sản xuất nhiều hồ tiêu nên có tổ chức hoạt động Hội hoặc Hiệp hội, câu lạc bộ Hồ tiêu ở cấp tỉnh, huyện... để giúp cho người trồng tiêu thêm phần ổn định và hiểu biết về ngành hàng, góp phần tổ chức lại sản xuất để ngành Hồ tiêu phát triển bền vững.
Xin cảm ơn sự chú ý lắng nghe của Quý đại biểu !

Tác giả bài viết: Hiệp Hội Hồ Tiêu Chư Sê

Nguồn tin: hiephoihotieuchuse.com.vn